‘Nếu còn đôi tay’ phim đạt giải nhất toàn quốc 2011

Posted by

Đây là bộ phim được thực hiện bởi các em học sinh trường THPT Phương Nam tham gia liên hoan phim tiếng Nhật. Phim đã đạt giải nhất liên hoan phim tiếng Nhật cấp Quốc gia.

trường thpt phương nam dự liên hoan phim tiếng nhật
chụp ảnh lưu niệm đoàn làm phim với ban giám hiệu và giáo viên dạy tiếng Nhật của trường

Bộ phim là câu chuyện có thật, cảm động về học sinh Nguyễn Chung Tiến (tên thường gọi Nguyễn Văn Tiến) , học sinh lớp 11C1 trường THPT Phương Nam

Khi bước vào tuổi 17 vào ngày 22/12/2007 Tiến đã dũng cảm cứu bạn mình khỏi dòng điện cao thế. Hành động dũng cảm đó đã cướp của em hai tay và một chân.

Hiện tại Tiến đang sống trong khu nội trú của trường THPT Phương Nam, bộ phim là những hình ảnh về sinh hoạt hàng ngày của em, tuy đời thường nhưng cảm động sâu sắc.

Những công việc đơn giản như đi lại, viết bài, giặt quần áo, … với những bạn bình thường thật đơn giản nhưng với Tiến là cả một nghị lực luyện tập phấn đấu sống chung với thương tật từ hành động dũng cảm cứu bạn.

Cùng với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè trường Phương Nam trong năm học vừa qua (2010 – 2011) Tiến đã đạt danh hiệu học sinh tiên tiến và được tham dự lễ vinh danh những học sinh tiêu biểu của thành phố Hà Nội.

 

Trích bài trên báo vnexpress (10/03/2009) nói về học sinh Tiến:

Mất hai tay, một chân vì cứu bạn

Thấy bạn bị luồng điện của đường dây cao thế hút vào, treo lơ lửng, Tiến lao vào cứu và ngất xỉu. Tại Viện Bỏng quốc gia, chàng trai nghèo 17 tuổi đã phải cắt bỏ 2 tay và chân trái, từ giã ước mơ mưu sinh giúp gia đình.
Gặp Tiến (ở xã Đại Nghĩa, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) trong một buổi chiều mưa ảm đạm tại Viện Bỏng quốc gia Hà Nội, cậu thanh niên 17 tuổi trông trắng trẻo, thư sinh và ăn nói rất nhỏ nhẹ. Các vết thương sau khi cắt bỏ và phẫu thuật giờ đã liền sẹo, nhưng em đã vĩnh viễn trở thành một người tàn phế. Toàn bộ sinh hoạt của em đều do người mẹ giúp đỡ.

trường thpt phương nam dự liên hoan phim tiếng nhật
Những lúc rảnh rỗi, Tiến  vẫn dùng chân lật giở báo để đọc.

Là con út trong một gia đình làm nghề nông ở miền quê nghèo của tỉnh Phú Thọ, tuổi thơ Tiến cũng được cắp sách tới trường, nhưng khi đang học dở lớp 11, Tiến đành xin nghỉ học do thấy cha mẹ quá vất vả vì lo cho hai anh, rồi lại lo ăn học cho mình. Tiến lên Hà Nội theo học nghề nhôm kính.

Thế nhưng, ngày  định mệnh ấy đã vĩnh viễn chôn chặt những hoài bão, ước mơ của một chàng thanh niên nghèo khó nhưng đầy lòng trắc ẩn và thương người. Hôm ấy Tiến và người bạn đi lắp nhôm kính cho một gia đình ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong lúc trèo, người bạn chẳng may bị luồng điện của đường dây cao thế hút vào. Thấy bạn xám ngắt, treo lơ lửng trên cao, Tiến không ngần ngại nhảy vào cứu bạn.

Người bạn may mắn được cứu thoát, còn Tiến bị ngã ngất xỉu và được đưa vào Viện Bỏng cấp cứu. Sau rất nhiều đắn đo, các bác sĩ ở đây đã quyết định cắt bỏ 2 tay và một chân của cậu. “Khi tỉnh lại, cháu cứ khóc mãi. Nhìn thấy con như vậy, chúng tôi cũng không cầm lòng được”, bà Tình, mẹ của Tiến vừa nói, vừa kéo vạt áo lau nước mắt. Đã bao đêm bà thức cùng với con, mái tóc bà đã bạc đi rất nhiều.

Giờ đây, khi không còn đôi bàn tay, chân cũng không đi lại được, toàn bộ sinh hoạt của cậu phụ thuộc vào người mẹ. Nhiều đêm Tiến không ngủ được, nỗi đau về thể xác một phần, nhưng nỗi đau về tinh thần và mặc cảm còn lớn hơn.

“Em tưởng đi làm sẽ giúp đỡ được cha mẹ phần nào, vậy mà giờ đây, cha mẹ phải phục vụ em thế này”, Tiến bỏ lửng câu nói, mắt rơm rớm. Cậu cố quay mặt vào phía trong tường để giấu đi giọt nước mắt.

Lúc đầu, khi nghe tin con gặp nạn, hai vợ chồng bán tống bán tháo một số thứ để có tiền xuống Hà Nội chăm con. “Khi phải viết giấy cam kết để cắt đứt chân và tay của con, tôi đã mất ngủ hai đêm. Sinh con ra lành lặn, giờ đây phải quyết định đau đớn như thế này, làm sao mà đành lòng được”, người bố im lặng, trầm ngâm một hồi lâu.

Rồi bố Tiến lần giở cuốn sổ nhỏ ghi nợ của những người thân, người hàng xóm. Có người giật tạm được một vài trăm, có người được vài triệu. Nhưng số tiền thuốc và ăn ở của hai vợ chồng ở Hà Nội cũng đã gần hết. Mặc dù các vết thương của Tiến đã lên da non sau nhiều lần phẫu thuật, tuy nhiên, tuần này, cậu sẽ phải vào khoa phục hồi chức năng.

trường thpt phương nam dự liên hoan phim tiếng nhật
Mọi sinh hoạt của Tiến giờ đều do mẹ em giúp đỡ.

Theo bác sĩ Đỗ Lương Tuấn, Trưởng khoa Bỏng người lớn, Viện Bỏng quốc gia, phần cẳng chân cụt còn lại của bệnh nhân hiện co về phía sau. Tiến phải tập luyện để cho phần đó thẳng ra, kheo chân co giãn mới có cơ hội lắp chân giả sau này.

“Thường thì bệnh nhân mất cả hai tay, thì còn đôi chân để giữ thăng bằng cơ thể. Tiến lại bị mất một chân nữa, nên khả năng đi lại của cháu cũng khó khăn hơn”, bác sĩ Tuấn trầm ngâm. Ông cho biết, nhiều năm nay, ông mới gặp trường hợp thương tâm thế này.

Trước đây khi còn lành lặn, Tiến mong đi học nghề, kiếm được một chút vốn kha khá rồi sẽ tự mở một cửa hàng khung nhôm kính nho nhỏ tại nhà. “Giờ, đi lại em đều phải nhờ vào mẹ, thì làm sao còn cơ hội. Em chỉ mong có một đôi tay giả, để tự phục vụ cho mình mà không phải nhờ đến mẹ nữa thôi”, Tiến nói, mắt nhìn xa xăm.

Theo VnExpress

2 responses

  1. Bimat Avatar
    Bimat
  2. phuhuynhHN Avatar
    phuhuynhHN

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *